Hàng Loạt Địa Phương Tây Nam Bộ
Mở Đường Sự Phát Triển Đồng Bộ
Mới đây, trong chuyến công tác đầu xuân Quý Mão 2023 tại các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực này.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến 86.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Cụ thể, Bộ GTVT đang tiến hành thi công cầu Mỹ Thuận 2 (dài 7km, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng) và đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (dài 23km, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng). Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km các đoạn đi qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Trong đó, có 109 km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư 9.768 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hậu Giang – Cà Mau có chiều dài 72 km, với tổng mức đầu tư 17.485 tỷ đồng.
Ngoài ra, khu vực miền Tây cũng có hai dự án đường cao tốc được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh cũng được đưa vào quy hoạch với chiều dài 188 km gồm bốn làn xe. Dự án được chia thành ba đoạn tuyến, gồm: đoạn Cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) – Cao Lãnh; đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) – An Hữu (Tiền Giang); đoạn An Hữu (Tiền Giang) – Trà Vinh.
Theo quy hoạch này, nhiều địa phương tại khu vực Tây Nam Bộ sẽ có được bước đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt 2 tỉnh thành vốn có lợi thế về kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp là Trà Vinh và Hậu Giang hứa hẹn sẽ là điểm sáng nổi bật trong tương lai gần.
Khu Vực Còn Nhiều Dư Địa Phát Triển
ĐBSCL hiện có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước… Hai “ngôi sao mới” tại ĐBSCL được giới đầu tư nhắc nhiều trong thời gian qua là Trà Vinh và Hậu Giang được kì vọng là tiêu điểm thị trường thời gian tới.
Cụ thể, Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, ở phía Đông Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với chiều dài bờ biển 65km. Hiện Trà Vinh đã được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, đây là hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của tỉnh và khu vực, kết nối Trà Vinh với các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và với Vương quốc Campuchia và Khu Kinh tế Định An được quy hoạch là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
Hậu Giang là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển bền vững. Tỉnh nằm tại trung tâm ĐBSCL đồng thời là điểm giao của hàng loạt trục giao thông quan trọng, kết nối theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang trên toàn khu vực. Nhờ vị trí đặc biệt này, thời gian gần đây kinh tế Hậu Giang liên tục có những chuyển biến tích cực. Năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 3,08% (đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành ĐBSCL). Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Hậu Giang đạt mức tăng trưởng 11% (cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước). Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%. Nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực.
Những năm gần đây, thị trường BĐS khu vực Trà Vinh, Hậu Giang đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đại gia như Vingroup, TNR Holdings Vietnam, Đất Xanh… Đi cùng bước chân của các ông lớn này, diện mạo hạ tầng của khu vực cũng hứa hẹn còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.